MẦM NON ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HIGHSCOPE

Kỷ luật tích cực

Nhằm hình thành “kỉ luật tự giác” ở trẻ, giáo viên sẽ áp dụng kỉ luật tích cực hàng ngày tại trường và tư vấn để phụ huynh có thể thực thi phù hợp với trẻ ở nhà. Kỉ luật tích cực cho phép trẻ nhận biết những hành vi phù hợp và không phù hợp, các mối quan hệ nguyên nhân và hệ quả. Qua đó thúc đẩy trẻ chủ động điều chỉnh hành vi của mình.

Kỉ luật tích cực áp dụng những hệ quả logic và hệ quả tự nhiên, hướng dẫn trẻ về các qui tắc để trẻ tự nhận biết và thi hành các qui tắc, luật lệ cần thiết. Trong đó, người lớn tuyệt đối không sử dụng trừng phạt (về thân thể hay tinh thần) để ép buộc trẻ tuân theo ý mình.

Việc áp dụng kỉ luật tích cực giúp trẻ thấy tự tin, có cảm giác an toàn. Đồng thời, trẻ ý thức được việc tôn trọng bản thân và người khác, tôn trọng các luật lệ, ý thức xã hội. Đồng thời phát triển năng lực chủ động, tự chủ ngay trong giai đoạn hình thành và định hình nhân cách của trẻ.

Việc áp dụng Kỉ luật tích cực và sinh hoạt Giá trị sống đặc biệt phù hợp với phương pháp giáo dục Highscope. Hai chương trình bổ trợ này góp phần tạo ra môi trường học tập tích cực, hỗ trợ. Kỷ luật tích cực là yếu tố quan trọng của học tập chủ động và xây dựng mối quan hệ tương tác giữa giáo viên và trẻ.

1. Thực trạng

Kỷ luật tích cực không liên quan tới trừng phạt. Kỷ luật tích cực tập trung vào việc dạy các kỹ năng xã hội và kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Trẻ sẽ rèn luyện kỹ năng tư duy, cách để nói không, cảm nhận sự cần thiết của nỗ lực. Ngoài ra, trẻ cũng học được việc kiên quyết theo đuổi mục tiêu và giới hạn hành vi của mình. Những nguyên tắc của kỷ luật tích cực sẽ giúp phụ huynh xây dựng mối quan hệ lâu dài về tình yêu thương, sự tôn trọng, giúp bố mẹ và con cùng giải quyết các tình huống.

Hiện nay cho rằng “Kỷ luật” là trừng phạt. Trừng phạt bao gồm:
  • Trừng phạt thân thể: tát, đánh, véo, dùng vật để đánh. Kéo tai, giật tóc, buộc trẻ phải ở trong một tư thế không thoải mái. Buộc trẻ phải đứng ở nơi nóng bức hoặc lạnh lẽo, nhốt trẻ vào tủ hoặc hòm.
  • Trừng phạt về tinh thần: la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi. Làm cho xấu hổ, chửi rủa, làm cho khó xử.
Trừng phạt trẻ em gây ra những tổn thương:
  • Về thể chất: trừng phạt trẻ một cách quá đáng: tát, đánh, đá, dùng một vật đánh vào người trẻ. Để trẻ ở trong một tình thế không thoải mái. Trẻ không được coi trọng trong một thời gian dài. Bắt buộc trẻ phải làm việc trong điều kiên tồi tàn, hoặc làm việc không phù hợp với lứa tuổi…
  • Về tinh thần: Cô lập, tẩy chay trẻ, sỉ nhục trẻ, bóc lột trẻ. Đối xử với trẻ hoặc nhìn trẻ một cách thiếu tôn trọng, khinh bỉ hay bôi xấu trẻ. Tự quyết định mà không cho trẻ tự quyết định….
Nguyên nhân của hiện tượng trừng phạt.
  • Do còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến.
  • Nhận thức hạn chế của người lớn.
  • Giáo viên chưa có phương pháp giáo dục trẻ phù hợp. Thiếu kinh nghiệm, áp lực công việc, gia đình.
  • Do đạo đức nghề nghiệp
  • Do học sinh có những khó khăn và rào cản trong học tập. Những khó khăn về xã hội như bị ngược đãi, bức xúc về gia đình, nên các em còn mắc lỗi khi ở trường.
Hậu quả của việc sử dụng các biện pháp trừng phạt trẻ em:
  • Học sinh: Tổn thương thể xác, tinh thần, nhân cách. Kết quả học tập: trẻ chán học, học tập sút kém, bỏ học.
  • Giáo viên: buồn khổ, phụ huynh không tin, học sinh phản ứng lại. Kết quả giáo dục không đạt, có thể bị phụ huynh xúc phạm, đánh, mất việc.
  • Gia đình học sinh : buồn phiền, tốn tiền của, tốn thời gian, sức khỏe, mất công ăn việc làm. 
  • Xã hội: tốn tiền của chăm lo, gia tăng tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
  • Mối quan hệ giữa người lớn/trẻ em; giáo viên/học sinh. Trẻ mất lòng tin với giáo viên, tạo ra khoảng cách giữa giáo viên và học sinh.

2. Những vấn đề cơ bản của phương pháp kỷ luật tích cực

Kỷ luật: 

Là những quy tắc, quy định, luật lệ mà con người phải thực hiện, chấp hành và tuân theo. 

Kỷ luật tích cực:
  • Là động viên, khuyến khích.
  • Hỗ trợ trong quá trình học tập và rèn luyện của học sinh
  • Nuôi dưỡng lòng ham học
  • Ý thức kỷ luật tự giác.
  • Tự nhận hình thức kỷ luật, cam kết không tái phạm.
Quan điểm kỷ luật tích cực:
  • Việc mắc lỗi của học sinh được coi là lẽ tự nhiên của quá trình học tập, rèn luyện và phát triển trong nhà trường.
  • Việc quan trọng của ngành giáo dục là làm thế nào học sinh nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi, thái độ trên cơ sở các qui định, nội qui…
  • Như vậy người giáo viên là người phân tích đúng sai, đối chiếu các qui định của những hành vi không đúng để học sinh nhận ra lỗi của mình để điều chỉnh sữa đổi, tiến bộ không mắc lỗi lần sau.
Giáo dục kỉ luật tích cực là:
  • Những giải pháp mang tính dài hạn giúp phát huy tính kỉ luật tự giác của học sinh.
  • Sự thể hiện rõ ràng những mong đợi, quy tắc và giới hạn mà học sinh phải tuân thủ.
  • Gây dựng mối quan hệ tôn trọng giữa giáo viên và học sinh.
  • Dạy cho học sinh những kĩ năng sống mà các em sẽ cần trong suốt cả cuộc đời.
  • Làm tăng sự tự tin và khả năng xử lý các tình huống khó khăn trong học tập và cuộc sống của các em.
  • Dạy cho học sinh cách cư xử lịch sự, nhã nhặn, không bạo lực, có sự tôn trọng bản thân, biết cảm thông và tôn trọng quyền của người khác.

3. Thực hiện kỉ luật tích cực

Phương pháp kỹ luật tích cực là biện pháp giáo dục học sinh không sử dụng đến các hình thức bạo lực, trừng phạt. Thay vào đó, những hình thức kỉ luật phù hợp được sử dụng giúp học sinh giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách tốt đẹp, bền vững.

Nguyên tắc thực hiện phương pháp kỉ luật tích cực:

  • Nguyên tắc 1: Vì lợi ích thực tế nhất của học sinh
  • Nguyên tắc 2: Không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần
  • Nguyên tắc 3: Khích lệ và tôn trọng lẫn nhau
  • Nguyên tắc 4: Phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của lứa tuổi học sinh

4. Các biện pháp thực hiện phương pháp kỉ luật tích cực

Biện pháp 1: Dùng hệ quả tự nhiên và hệ quả logic:
  • Hệ quả tự nhiên: Là những gì xảy ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn. Ví dụ: không ăn sẽ bị đói, không ngủ sẽ bị mệt…).
  • Hệ quả logic: Là những gì xảy ra đòi hỏi phải có sự can thiệp của người lớn hoặc của trẻ khác trong gia đình hoặc lớp học. (Ví dụ: khi trẻ nghịch ngợm phá hỏng đồ chơi mới mua thì trong thời gian tới sẽ không được mua đồ chơi mới, không học bài ở nhà đến lớp sẽ bị điểm kém,…)

Để việc áp dụng giáo dục dùng hệ quả tự nhiên không trở thành trừng phạt cần lưu ý: Không gây nguy hiểm cho trẻ và Không làm ảnh hưởng đến người khác.

Dùng hệ quả logic không trở thành trừng phạt cần lưu ý: Người lớn phải tôn trọng trẻ, Hệ quả logic phải liên quan với những hành vi mà trẻ gây ra và Hợp lý.

Biện pháp 2:  Hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỉ luật trong nhà trường và lớp học:
  • Nội quy, nề nếp kỉ luật là những điều rất cần thiết để giáo dục, nuôi dưỡng và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn cho trẻ.
  • Nội quy, nề nếp tạo cơ sở cho trẻ hiểu xem những hành vi nào là phù hợp, không phù hợp và giới hạn không được vượt qua.
  • Có những nội quy bao gồm những quy định nghiêm khắc do người lớn hướng dẫn. Trẻ buộc phải tuân thủ và không thể thương lượng được. Có những nội quy do trẻ và người lớn cùng thảo luận, có thể thay đổi như: thời gian học bài ở nhà, làm việc nhà, thời gian giải lao, giải trí.
Một số lưu ý khi thiết lập nội quy:
  • Việc thiết lập nội quy lớp học không làm phức tạp hơn nội quy nhà trường mà chỉ làm rõ hơn nội quy mà mang lại hiệu quả.
  • Học sinh được tham gia thiết lập nội quy, sẽ làm cho các em thể hiện trách nhiệm của bản thân tốt hơn.
  • Hướng dẫn cho trẻ phải rõ ràng, cụ thể.
  • Nhắc nhở trẻ để giúp trẻ suy nghĩ và nhớ lại sau đó quyết định hành động.
  • Cho trẻ ít nhất 2 khả năng lựa chọn. Mục đích để khuyến khích khả năng suy nghĩ và đưa ra quyết định của trẻ.
  • Cho trẻ biết hệ quả với hành vi lựa chọn. Khi trẻ biết được hệ quả, trẻ sẽ có xu hướng để tránh gây ra hệ quả như vậy.
  • Cảnh báo: Là nhắc nhở trẻ nghĩ về hậu quả xấu của một hành vi nào đó có thể xảy ra.
  • Thể hiện mong muốn: Là khích lệ trẻ có một hành vi cụ thể nào đó.

Tóm lại: Thiết lập nội quy trong gia đình và lớp học là một phương pháp quan trọng để duy trì trật tự, nề nếp. Cả người lớn và trẻ em được cùng tham gia đều cảm thấy mình thoải mái và hài lòng vì mình đã góp phần đưa ra các nội quy đó. Vì thế xác suất làm theo các quyết định đó cao hơn nhiều so với bị áp đặt.

Biện pháp 3: Dùng thời gian tạm lắng

Đây là một phương pháp kỉ luật có hiệu quả nhưng cũng dễ gây tranh cãi. Bởi khi áp dụng mà không tuân thủ theo nguyên tắc thì nó sẽ trở thành hình phạt. Thời gian tạm lắng là thời gian trẻ bị tách ra khỏi hoạt động mà trẻ đang tham gia. Trẻ đang có nguy cơ thực hiện hành vi không mong muốn (trêu trọc, phá đồ chơi,….). Trong lúc “tạm lắng” trẻ phải “ngồi” một chỗ. Trẻ không được chơi, trò chuyện hay tham gia hoạt động như những người khác. Mục đích là trẻ bình tĩnh, suy nghĩ về hành vi không đúng mực của mình. Sau đó, trẻ tiếp tục tham gia các hoạt động đang diễn ra.

Chỉ áp dụng phương pháp thời gian tạm lắng khi trẻ đang hoặc có nguy cơ làm tổn thương đến trẻ khác hoặc chính mình.

Cần lưu ý khi sử dụng:
  • Sử dụng phương pháp này đúng cách thì sẽ có hiệu quả tốt. Trẻ bình tĩnh trở lại, kiềm chế bản thân tốt hơn trong những tình huống gây tức giận, ức chế.
  • Sử dụng thời gian tạm lắng không đúng cách sẽ không hiệu quả. Thậm chí còn gây tác động tiêu cực tới trẻ, làm cho trẻ trở nên dễ cáu giận hơn. Thời gian tạm lắng nên bằng số phút tương ứng với số tuổi của trẻ. Tùy theo khí chất và mức độ mắc lỗi của mỗi trẻ mà áp dụng cụ thể phương pháp này. Mục đích chính là cho trẻ hiểu được thông điệp mà cha mẹ và thầy cô muốn giáo dục cho trẻ.
Cần phải sử dụng thời gian tạm lắng như thế nào để không trở thành trừng phạt?
  • Không sử dụng cho trẻ quá nhỏ. Trẻ ở lứa tuổi quá nhỏ trẻ rất sợ bị tách ra khỏi bố mẹ.
  • Nên sử dụng ngay sau khi trẻ có hành vi làm tổn thương bạn hoặc bản thân. Như vậy trẻ sẽ hiểu rõ hơn tại sao người lớn lại đối xử với mình như vậy. Lúc này “thời gian tạm lắng” đối với trẻ như một hệ quả logic của hành vi tiêu cực.
  • Nên chú ý để tránh phải sử dụng thời gian tạm lắng đối với trẻ nhiều lần. Giáo viên có thể lựa chọn tích cực khác như: xin lỗi bạn, dọn dẹp lại những vật dụng do mình bầy ra,….
  • Thời gian tạm lắng không được mang tính chất nhục mạ trẻ, làm cho trẻ thấy sợ hãi, xấu hổ… Như vậy sẽ là một hình thức trừng phạt.
  • Không đe dọa trẻ rằng sẽ dùng hình phạt này nếu trẻ còn tái phạm. Như vậy trẻ sẽ tưởng rằng mình đang bị trừng phạt nên có thái độ thiếu hợp tác.

Do đó, sử dụng biện pháp này có tính hai mặt. Có trẻ sau thời gian tạm lắng thích quay lại chơi nhưng có trẻ không quay lại chơi nữa. Vì vậy cần phân loại đối tượng học sinh để áp dụng. Các biện pháp trên áp dụng đối với trẻ thông thường. Đối với trẻ tự kỉ hoặc cá biệt thì không có tác dụng.

Tham khảo thêm tại đây.